Wednesday, August 4, 2010

ĐỖ THÁI NHIÊN * NGHỊ QUYẾT 36


*

Trên đấu trường quân sự, muốn đánh chiếm căn cứ A, nhiều khi vị chỉ huy chiến trường phải điều quân quấy nhiễu các căn cứ B, C và D, nhằm đánh lạc hướng phòng thủ của đối phương. Sau giai đoạn quấy nhiễu cần thiết, một cách bất ngờ, vị chỉ huy kia ra lệnh cho các đơn vị thuộc quyền tập trung toàn bộ hỏa lực, tấn công dứt điểm căn cứ A. Trong trường hợp này, các căn cứ B, C và D là DIỆN. Căn cứ A chính là ĐIỂM.

Ngày 26 tháng 03 năm 2004, Bộ Chính Trị Đảng CSVN đã ra “nghị quyết số 36-NQ/TƯ về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài”. Nghị quyết này đề cập đến rất nhiều vấn đề khác nhau: nào là người Việt Nam ở nước ngoài chưa thực sự “gắn bó giúp đỡ lẫn nhau”, nào là chính sách “đại đoàn kết” của đảng CSVN, nào là người Việt Nam ở nước ngoài là “một bộ phận không thể tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam”, nào là và nào là… Giữa cảnh rừng “nào là” kia đâu là DIỆN, đâu là ĐIỂM? Đi tìm ĐIỂM trong trường hợp này tức là chúng ta cần cẩn thận khảo sát toàn bộ nội dung của nghị quyết 36.

Nghị quyết 36 được chia ra thành bốn phần rõ rệt:


PHẦN THỨ NHẤT:
“Tình hình và công tác đối với người Việt
Nam ở nước ngoài thời gian qua” (nguyên văn chữ dùng của CSVN)

Nghị quyết 36 ghi nhận: “Hiện nay có khoảng 2,7 trịêu người Việt Nam đang sinh sống ở gần 90 nước và vùng lãnh thổ, trong đó hơn 80% ở các nước công nghịêp phát triển”. Nghị quyết 36 viết tiếp rằng: người Việt Nam ở nước ngoài “có vị trí nhất định trong đời sống kinh tế – chính trị – xã hội ở nước sở tại, có tác động ở mức độ khác nhau tới mối quan hệ giữa các nước đó với Việt Nam” và rằng: “một số người giữ vị trí quan trọng trong các cơ quan, cơ sở nghiên cứu, đào tạo, các công ty và tổ chức quốc tế, có khả năng tạo dựng quan hệ với các cơ sở kinh tế khoa học ở nước sở tại”.

Đối với sự việc cộng đồng Việt Nam hải ngọai đấu tranh cho một Việt Nam dân chủ nhân quyền, nghị quyết 36 hằn học lên án: “Một số ít người đi ngược lại lợi ích chung của dân tộc, ra sức chống phá đất nước, phá hoại mối quan hệ hợp tác giữa nước sở tại với Việt Nam”.

Dưới mắt nhìn của CSVN: tiềm năng vận động ngoại giao của cộng đồng người Việt Nam tại hải ngoại rất mạnh mẽ, đồng thời quyết tâm đòi hỏi tự do dân chủ cho Việt Nam của cộng đồng này cũng rất gay gắt.

Sự thể vừa nói đã buộc CSVN đối diện với các nan đề ngoại giao liên hệ tới sinh mệnh chính trị của chế độ độc tài. Nhằm giải trừ nan đề này, từ vài năm qua, CSVN đã tuyên truyền rầm rộ về chủ trương và chính sách “đổi mới” của đảng CS đối với người Việt hải ngoại. Thế nhưng theo sự đánh giá của nghị quyết 36 chủ trương và chính sách chiêu dụ kia “chưa được quán triệt sâu sắc, thực hiện đầy đủ” (nguyên văn).


PHẦN THỨ HAI:
“Chủ trương và phương hướng công tác đối với Việt Nam ở nước ngoài trong thời gian tới”

Những điều được gọi là “chủ trương và chính sách” của CSVN nói ở phần một chỉ là những suy nghĩ và việc làm vá víu, đôi khi tiền hậu bất nhất. Phần hai của nghị quyết 36 mới chính thức là nhận thức toàn diện và triệt để của Bộ Chính Trị Đảng CSVN đối với sinh hoạt của cộng đồng Việt Nam Hải Ngoại. Các nhận thức đó như sau:
Một là: “Mọi người Việt
Nam, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, nguồn gốc xuất thân, địa vị xã hội, lý do ra nước ngoài … đều được tập họp trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc”. Ở đây nghị quyết 36 tuyệt đối KHÔNG NHẮC TỚI NHỮNG NGƯỜI KHÁC CHÍNH KIẾN với đảng CSVN. Như vậy đoàn kết chỉ có nghĩa là đoàn kết sau lưng đảng CS.

Hai là: “Người Việt Nam ở nước ngoài là nhân tố quan trọng góp phần tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa nước ta và các nước”. Vì vậy nghị quyết 36 khẳng quyết “đảng và nhà nước mong muốn, khuyến khích người Việt Nam ở nước ngoài góp phần tăng cường quan hệ hợp tác hữu nghị giữa nước bà con sinh sống với nước nhà”.


PHẦN THỨ BA:
“Nhiệm Vụ Chủ Yếu”

Phần này là phần phương pháp luận của nghị quyết 36. Nhằm biến cộng đồng Việt Nam Hải Ngoại trở thành công cụ ngoại giao cho chế độ CSVN, nghị quyết 36 hoạch định hai phương pháp chủ yếu:

* PHƯƠNG PHÁP CỦ CÀ RỐT: phương pháp này gồm bốn củ cà rốt chính:

_ CÀ RỐT MỘT: Tạo điều kiện thuận lợi cho người Việt Hải Ngoại về thăm Việt Nam
_ CÀ RỐT HAI: Đầu tư cho chương trình dạy và học tiếng Việt dành cho người Việt ở nước ngoài đặc biệt là thế hệ trẻ.
_ CÀ RỐT BA: Đổi mới mạnh mẽ và toàn diện công tác phủ dụ bằng thông tin, tuyên truyền. Hỗ trợ việc ra báo viết, mởi đài phát thanh ở nước ngoài. Nói chung là TRUYỀN THÔNG QUỐC DOANH của CSVN sẽ được “XUẤT KHẨU” ra hải ngoại.
_ CÀ RỐT BỐN: Mời gọi người Việt Hải Ngọai “làm việc cho các chương trình, dự án hợp tác đa phương và song phương cửa Việt
Nam với nước ngoài”. Hoặc: “Tranh thủ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài tiến hành hoạt động, vận động, tư vấn về pháp lý trong quan hệ với nước bà con làm ăn sinh sống”.

Nói chung, nghị quyết 36 quyết tâm đưa đẩy người Việt Nam Hải Ngoại rơi vào NHIỆM VỤ TAY CHÂN đắc lực cho guồng máy ngoại giao của CSVN. Nhớ rằng dù là nhiệm vụ đắc lực nhưng mãi mãi chỉ là nhiệm vụ tay chân mà thôi.

* PHƯƠNG PHÁP CÂY GẬY: Trong trường hợp phương pháp củ cà rốt tỏ ra không hữu hiệu: cộng đồng Việt Nam Hải Ngoại vẫn kiên trì và mạnh mẽ đòi hỏi tự do dân chủ cho Việt Nam, nghị quyết 36 buông lời hăm dọa: đảng và nhà nước sẽ “có biện pháp phù hợp đấu tranh với những biểu hiện cố tình đi ngược lại lợi ích dân tộc, phá hoại quan hệ giữa các nước có đông người Việt Nam sinh sống với Việt Nam”. Lời đe dọa thật ngắn, thật thoáng qua nhưng bóng dáng của những tên đặc công khủng bố đã hiện ra rất rõ nét. Sự thể này chứng tỏ mãi cho đến năm 2004, CSVN vẫn còn là người khách cực kỳ xa lạ đối với nền văn minh dân chủ.


PHẦN THỨ TƯ:
Tổ Chức Thực Hiện

Phần này là phần phân chia nhiệm vụ. Từ trung ương đảng, chính phủ đến tất cả cấp ủy đảng địa phương đều phải nghiêm chỉnh và tích cực thực thi nghị quyết 36.

Sau khi khảo sát toàn bộ nội dung của nghị quyết 36, chúng ta nhận ra rằng từ cách đặt vấn đề, nhận thức vấn đề, đến phương pháp luận của vấn đề, tất cả đều NHẰM MỤC ĐÍCH BIẾN CỘNG ĐỒNG VIỆT NAM HẢI NGOẠI THÀNH CÔNG CỤ CỦA CSVN TRÊN BANG GIAO QUỐC TẾ. Đó chính là ĐIỂM của nghị quyết 36. Những lời lẽ ca tụng người Việt hải ngọai yêu nước đi kèm với sự diễn tả thái độ ân cần của CSVN đối với những người sống xa quê hương chỉ là DIỆN.

Kỹ thuật vận dụng ĐIỂM và DIỆN trong nghị quyết 36 nhằm chủ đích tạo cho người Việt Nam có ảo tưởng rằng nghị quyết 36 là sản phẩm của tình thân mến giữa đồng bào với đồng bào, nó không hề ẩn chứa trong nó tham vọng biến người Việt hải ngọai trở thành những tay sai ngọai giao. Bây giờ câu chuyện ĐIỂM và DIỆN đã được giải bầy.

Sự việc CSVN bị bắt buộc phải nhìn nhận vai trò ngoại giao quan trọng của cộng đồng VN hải ngọai đã làm cho chúng ta liên tưởng tới quốc gia VN với một cấu trúc vô cùng đặc biệt. Cấu trúc đặc biệt đó được biện giải như sau: trước kia, VN chỉ có thể thi hành tác vụ ngoại giao thông qua hệ thống tòa đại sứ. Hệ thống này chỉ là những VỊ KHÁCH làm việc trên lãnh thổ của các quốc gia mà VN bang giao. Với tư cách người khách, năng quyền ngoại giao của hệ thống tòa đại sứ rất hạn chế.

Sau 30 tháng 4, 1975, cộng đồng VN hải ngoại thành hình tại hầu hết những quốc gia giầu mạnh nhất thế giới. Thành viên của cộng đồng này đều mang quốc tịch của quốc gia sở tại. Do đó người Việt hải ngoại có năng quyền của người vừa phải đóng thuế, vừa có quyền ứng cử và bầu cử. Họ thực sự là CHỦ NHÂN của quốc gia mà họ sinh sống. Họ có khả năng thông qua các vị dân biểu của họ để chấp thuận hay bác khước mọi đề nghị của Bộ Ngoại Giao CSVN.

Sinh mệnh chính trị của một chế độ bao giờ cũng gắn bó chặt chẽ với hai khối công việc: NỘI VỤ và NGỌAI VỤ. CSVN cưỡng chíêm NỘI VU. Hệ thống cộng đồng VN hải ngọai càng ngày càng có khả năng nắm giữ vững vàng CHÌA KHÓA NGOẠI VỤ. Từ đó quốc gia VN ngày nay vận hành theo một cấu trúc đặc biệt gọi là CẤU TRÚC MÔI VÀ RĂNG. MÔI là VN quốc ngoại. RĂNG là VN quốc nội. VN chỉ thực sự hạnh phúc và thịnh vượng chừng nào MÔI và RĂNG hợp tác mật thiết với nhau, thông qua một gạch nối hợp lý.

Gạch nối hợp lý kia chẳng là gì khác hơn là chế độ tự do dân chủ. Thay vì thành tâm xây dựng tự do dân chủ, CSVN đang sử dụng nghị quyết 36 để tạo kết hợp cưỡng ép và gian dối giữa môi và răng. Nghị quyết 36 rõ ràng là một sản phẩm chính trị tật nguyền. Nó bao gồm những lời dụ dỗ vụng về cộng với các biện pháp đe dọa vu vơ. Hơn thế nữa, nghị quyết 36 còn rõ ràng là bức tranh minh họa trình độ ấu trĩ tệ hại của CSVN trên địa bàn bang giao quốc tế. Với tư cách là những thành viên của VN quốc ngoại, người Việt hải ngoại không thể không đặt câu hỏi: chúng ta nên ứng xử như thế nào đối với nghị quyết 36? Câu trả lời nằm ở nội dung của các bài viết kế tiếp.


LS. ĐỖ THÁI NHIÊN

******

http://www.mofahcm.gov.vn/vi/mofa/vd_quantam/ns041215094700#92TT2ttXzqTh

NGHỊ QUYẾT 36 của Bộ Chính trị về Công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài

NGHỊ QUYẾT số 36/NQ-TW ngày 26/3/2004 của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài

I- Tình hình và công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài thời gian qua

1- Hiện nay có khoảng 2,7 triệu người Việt Nam đang sinh sống ở gần 90 nước và vùng lãnh thổ, trong đó hơn 80% ở các nước công nghiệp phát triển, phần đông bà con ngày càng ổn định cuộc sống và hòa nhập vào xã hội nơi cư trú, có vị trí nhất định trong đời sống kinh tế, chính trị - xã hội ở nước sở tại, có tác động ở mức độ khác nhau tới mối quan hệ giữa các nước đó với Việt Nam. Bên cạnh đó, trong những năm qua hàng trăm nghìn người Việt Nam đã ra nước ngoài lao động, học tập, tu nghiệp, đoàn tụ gia đình, hình thành các cộng đồng người Việt Nam tại một số địa bàn mới.

Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài có tiềm lực kinh tế nhất định, có mối quan hệ với nhiều doanh nghiệp, tổ chức kinh tế nước ngoài và quốc tế, có khả năng tìm kiếm đối tác và làm cầu nối với các doanh nghiệp, tổ chức trong nước. Nhiều trí thức có trình độ học vấn và chuyên môn cao; một số người giữ vị trí quan trọng trong các cơ quan, cơ sở nghiên cứu, đào tạo, các công ty và tổ chức quốc tế, có khả năng tạo dựng quan hệ với các cơ sở kinh tế, khoa học ở nước sở tại.

Mặc dù sống xa Tổ quốc, đồng bào luôn nuôi dưỡng, phát huy tinh thần yêu nước, tự tôn dân tộc, giữ gìn truyền thống văn hóa và hướng về cội nguồn, dòng tộc, gắn bó với gia đình, quê hương. Nhiều người đã có những đóng góp về tinh thần, vật chất và cả xương máu cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Thành tựu to lớn của nhân dân ta trong sự nghiệp đổi mới, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội giữ vững sự ổn định chính trị - xã hội và không ngừng nâng cao vị thế quốc tế của đất nước càng củng cố thêm niềm tự hào dân tộc và tinh thần yêu nước của người Việt Nam ở nước ngoài. Đông đảo bà con hoan nghênh công cuộc đổi mới và chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc của Đảng và Nhà nước, mong muốn đất nước cường thịnh, sánh vai với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới; nhiều người đã về thăm gia đình, quê hương, tham gia các hoạt động đầu tư, kinh doanh, hợp tác khoa học, công nghệ, giáo dục, văn hóa, nghệ thuật, thể thao, nhân đạo, từ thiện... Tình hình trên là xu thế chủ yếu trong cộng đồng người Việt
Nam ở nước ngoài.

Tuy nhiên, người Việt
Nam ở một số nước còn khó khăn trong việc ổn định cuộc sống, chưa được hưởng quy chế rõ ràng, thậm chí ở một số nơi còn bị kỳ thị. Một bộ phận đồng bào do chưa có dịp về thăm đất nước để tận mắt thấy được những thành tựu của công cuộc đổi mới hoặc do thành kiến, mặc cảm, nên chưa hiểu đúng về tình hình đất nước. Một số ít người đi ngược lại lợi ích chung của dân tộc, ra sức chống phá đất nước, phá hoại mối quan hệ hợp tác giữa nước sở tại với Việt Nam. Tính liên kết cộng đồng, sự gắn bó giúp đỡ lẫn nhau trong cộng đồng chưa cao. Còn thiếu các biện pháp duy trì, phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc; việc giữ gìn tiếng Việt và bản sắc dân tộc trong thế hệ trẻ còn khó khăn. Nhu cầu giao lưu văn hóa giữa cộng đồng với đất nước, giữ gìn và phát triển tiếng Việt trong cộng đồng là rất lớn và trở nên bức thiết song chưa được đáp ứng. Sự đóng góp của bà con vào công cuộc xây dựng đất nước, nhất là về tri thức, chưa tương xứng với tiềm năng của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.

2- Đảng và Nhà nước ta luôn luôn coi cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam, đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách rộng mở và biện pháp cụ thể nhằm tạo điều kiện ngày càng thuận lợi hơn cho đồng bào về thăm đất nước, người thân, đầu tư, kinh doanh, hợp tác khoa học - công nghệ, hoạt động văn hóa - nghệ thuật. Công tác đối với người Việt
Nam ở nước ngoài đã được đổi mới và đạt được những kết quả đáng kể cả ở trong và ngoài nước. Công tác thông tin, văn hóa phục vụ cộng đồng từng bước được tăng cường, nhất là trong lĩnh vực phát thanh, truyền hình và qua mạng Internet. Sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, chính quyền địa phương và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã có chuyển biến tích cực.

Tuy nhiên, các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người Việt
Nam ở nước ngoài chưa được quán triệt sâu sắc, thực hiện đầy đủ. Công tác nghiên cứu, tham mưu về chính sách chưa theo kịp những chuyển biến mới. Công tác bảo hộ quyền lợi chính đáng của người Việt Nam ở nước ngoài chưa được quan tâm đúng mức. Các chính sách đã ban hành chưa đồng bộ và chưa thể hiện đầy đủ tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc; chưa khuyến khích mạnh mẽ người Việt Nam ở nước ngoài hướng về quê hương, đóng góp cho công cuộc phát triển đất nước. Chưa có hình thức thỏa đáng để cung cấp kịp thời và đầy đủ thông tin cho đồng bào về tình hình đất nước và chính sách của Đảng và Nhà nước. Hình thức vận động cộng đồng còn chưa thực sự đổi mới, đa dạng và linh hoạt để có thể quy tụ, động viên đông đảo bà con tham gia các hoạt động có ích cho cộng đồng và quê hương. Việc phát hiện, bồi dưỡng những nhân tố tích cực, việc khen thưởng, động viên những người có thành tích ít được chú trọng.

Nguyên nhân chủ yếu của những yếu kém trên là các cấp, các ngành, các đoàn thể nhân dân chưa nhận thức thật sự đầy đủ và sâu sắc các quan điểm chỉ đạo của Đảng về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài, nhiều cấp ủy Đảng và lãnh đạo chính quyền các cấp chưa quan tâm đúng mức và chưa thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện công tác này. Sự phối hợp giữa các bộ, ngành liên quan, giữa Trung ương và địa phương, giữa trong và ngoài nước còn thiếu chặt chẽ, các cơ quan trực tiếp làm công tác về người Việt Nam ở nước ngoài chưa được kiện toàn đủ mạnh, kinh phí còn hạn chế.

II- Chủ trương và phương hướng công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài trong thời gian tới

1- Công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài cần thể hiện đầy đủ truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc. Cơ sở của sự đoàn kết là ý thức dân tộc và lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc và mục tiêu chung của mọi người Việt Nam là giữ vững nền độc lập dân tộc, thống nhất của Tổ quốc, làm cho dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Xóa bỏ mặc cảm, định kiến, phân biệt đối xử do quá khứ hay thành phần giai cấp; xây dựng tinh thần cởi mở, tôn trọng, thông cảm, tin cậy lẫn nhau, cùng hướng tới tương lai. Mọi người Việt
Nam, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, nguồn gốc xuất thân, địa vị xã hội, lý do ra nước ngoài, mong muốn góp phần thực hiện mục tiêu trên đều được tập hợp trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

2- Người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam, là nhân tố quan trọng góp phần tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa nước ta với các nước. Nhà nước có trách nhiệm thỏa thuận với các nước hữu quan về khuôn khổ pháp lý để đồng bào ổn định cuộc sống và bảo vệ quyền lợi chính đáng của cộng đồng người Việt
Nam ở nước ngoài theo luật pháp, công ước và thông lệ quốc tế.

Đảng và Nhà nước mong muốn, khuyến khích người Việt Nam ở nước ngoài hội nhập và thực hiện nghiêm chỉnh luật pháp nước sở tại, chăm lo xây dựng cuộc sống, làm ăn thành đạt, nêu cao tinh thần tự trọng và tự hào dân tộc, giữ gìn tiếng Việt, bản sắc văn hóa và truyền thống dân tộc Việt Nam, đoàn kết đùm bọc, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau, giữ mối quan hệ gắn bó với gia đình và quê hương, góp phần tăng cường quan hệ hợp tác hữu nghị giữa nước bà con sinh sống với nước nhà, tùy theo khả năng và điều kiện của mỗi người góp phần xây dựng quê hương đất nước, chủ động đấu tranh với các biểu hiện cố tình đi ngược lại lợi ích chung của dân tộc.

3- Công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài cần mang tính đồng bộ, kết hợp việc xây dựng cơ chế, chính sách với công tác vận động, kết hợp các hoạt động trong nước với các hoạt động ở nước ngoài và phải được tiến hành thông qua nhiều loại hình hoạt động và biện pháp phù hợp với các đối tượng và địa bàn khác nhau, trên cơ sở tự nguyện và không trái với pháp luật, phong tục, tập quán của nước sở tại.

4- Công tác đối với người Việt
Nam ở nước ngoài là trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính trị và của toàn dân. Các tổ chức đảng, nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân, các ngành, các cấp từ Trung ương đến địa phương, ở trong nước và ngoài nước và toàn dân ta cần coi đây là một nhiệm vụ quan trọng nhằm phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

III - Nhiệm vụ chủ yếu

1- Nhà nước tạo mọi điều kiện thuận lợi và hỗ trợ đồng bào ổn định cuộc sống, yên tâm làm ăn sinh sống, hội nhập vào đời sống xã hội nước sở tại, đồng thời duy trì quan hệ gắn bó với quê hương, đất nước.

Thông qua các hoạt động ngoại giao tích cực vận động chính quyền nước sở tại tạo thuận lợi cho kiều bào có điều kiện làm ăn sinh sống bình thường; chủ động tiến hành đàm phán và ký kết các thỏa thuận cần thiết với các nước, trong đó có các hiệp định lãnh sự, hiệp định tư pháp, bảo vệ lợi ích chính đáng của bà con, chống các biểu hiện kỳ thị, các hành động chống lại người Việt Nam ở nước ngoài. Giải quyết nhanh chóng, thỏa đáng yêu cầu của người Việt
Nam ở nước ngoài liên quan đến vấn đề quốc tịch.

Tạo điều kiện thuận lợi để người Việt
Nam ở nước ngoài về thăm quê hương, thân nhân, thờ cúng tổ tiên. Cụ thể hóa và hoàn thiện hơn nữa các quy định về xuất nhập cảnh, cư trú, đi lại ở trong nước của người Việt Nam ở nước ngoài theo hướng thông thoáng, thuận tiện và đơn giản thủ tục. Giải quyết thuận lợi, nhanh chóng thủ tục cho người Việt Nam ở nước ngoài hồi hương hoặc về làm ăn, sinh sống có thời hạn ở trong nước; tiếp tục giải quyết những vấn đề tồn tại về mua nhà ở trong nước, thừa kế, hôn nhân gia đình, nhận con nuôi... liên quan đến người Việt Nam ở nước ngoài. Dành cho người Việt Nam ở nước ngoài giá dịch vụ như công dân trong nước.

Có hình thức thích hợp tổ chức thu thập ý kiến của đồng bào ở nước ngoài trước khi ban hành các văn bản pháp quy, chính sách có liên quan nhiều tới người Việt
Nam ở nước ngoài.

2- Hoàn chỉnh và xây dựng mới hệ thống chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài, phát huy sự đóng góp của trí thức kiều bào vào công cuộc phát triển đất nước. Xây dựng chế độ đãi ngộ thỏa đáng đối với những chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài có trình độ chuyên môn cao, có khả năng tư vấn về quản lý, điều hành, chuyển giao công nghệ, kỹ thuật cao cho đất nước, góp phần phát triển nền văn hóa, nghệ thuật của nước nhà.

Xây dựng và hoàn thiện các chính sách tạo thuận lợi và khuyến khích các ngành, các trung tâm nghiên cứu khoa học - công nghệ, văn hóa nghệ thuật, giáo dục - đào tạo, y tế, thể dục - thể thao, các cơ sở sản xuất, dịch vụ... ở trong nước mở rộng hợp tác, thu hút sử dụng chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài tham gia công việc ở trong nước, làm việc cho các chương trình, dự án hợp tác đa phương và song phương của Việt Nam với nước ngoài hoặc trong các tổ chức quốc tế có chỉ tiêu dành cho người Việt Nam và tư vấn trong các quan hệ giữa Việt Nam với đối tác nước ngoài.

Tranh thủ cộng đồng người Việt
Nam ở nước ngoài tiến hành hoạt động vận động, tư vấn về pháp lý trong quan hệ với nước bà con làm ăn sinh sống.

3- Hoàn chỉnh và xây dựng mới các chính sách thu hút người Việt
Nam ở nước ngoài hoạt động đầu tư, kinh doanh ở trong nước. Coi trọng các hình thức đầu tư, kinh doanh quy mô vừa và nhỏ do người Việt Nam ở nước ngoài trực tiếp thực hiện hoặc thông qua người thân trong nước thực hiện. Mở rộng và tạo thuận lợi hơn nữa chính sách kiều hối. Phát huy khả năng của người Việt Nam ở nước ngoài làm dịch vụ, thiết lập và mở rộng kênh tiêu thụ hàng hóa Việt Nam, các quan hệ hợp tác và đầu tư với các doanh nghiệp, các tổ chức và cá nhân nước ngoài.

Thiết lập cơ chế phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong việc giải quyết các vụ việc liên quan đến doanh nghiệp do người Việt Nam ở nước ngoài đầu tư vào trong nước, nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của các doanh nghiệp, xử lý các vi phạm theo đúng pháp luật, góp phần tạo môi trường pháp lý ổn định, làm cho người Việt Nam ở nước ngoài đầu tư, hợp tác với trong nước yên tâm, tin tưởng.

4- Đổi mới và đa dạng hóa các phương thức vận động, các hình thức tập hợp với mục đích đoàn kết người Việt Nam ở nước ngoài quan tâm giúp đỡ lẫn nhau, khuyến khích những hoạt động hướng về Tổ quốc của bà con, nhất là của thế hệ trẻ trên cơ sở tự nguyện, phù hợp với pháp luật và phong tục tập quán nước sở tại. Hỗ trợ các dự án của người Việt
Nam ở nước ngoài nhằm mục tiêu trên. Chủ động mở rộng tiếp xúc với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, kể cả với những người còn có định kiến, mặc cảm với Nhà nước và chế độ ta.

5- Tích cực đầu tư cho chương trình dạy và học tiếng Việt cho người Việt
Nam ở nước ngoài, nhất là cho thế hệ trẻ. Xây dựng và hoàn chỉnh sách giáo khoa tiếng Việt cho kiều bào, cải tiến các chương trình dạy tiếng Việt trên vô tuyến truyền hình, đài phát thanh và qua mạng Internet. Cử giáo viên dạy tiếng Việt tới những nơi có thể để giúp bà con học tiếng Việt. Tổ chức trại hè nói tiếng Việt cho thanh, thiếu niên người Việt Nam ở nước ngoài.

Tổ chức cho các đoàn nghệ thuật, nhất là các đoàn nghệ thuật dân tộc ra nước ngoài biểu diễn phục vụ cộng đồng. Tạo điều kiện cho các nghệ sĩ, vận động viên là người Việt Nam ở nước ngoài về nước biểu diễn, thi đấu, tham gia các đoàn Việt Nam đi biểu diễn và thi đấu quốc tế. Thường xuyên tổ chức các chương trình giao lưu văn hóa, văn học, nghệ thuật, triển lãm, hội thảo, du lịch về cội nguồn.

6- Đổi mới mạnh mẽ và toàn diện công tác thông tin, tuyên truyền, giúp cho người Việt Nam ở nước ngoài hiểu đúng tình hình đất nước và chính sách của Đảng và Nhà nước. Đầu tư cho các chương trình dành cho người Việt
Nam ở nước ngoài của đài phát thanh, truyền hình và Internet; chú trọng đổi mới nội dung, hình thức và kỹ thuật của các chương trình này. Hỗ trợ việc ra báo viết, mở đài phát thanh, truyền hình ở ngoài nước. Xây dựng thư viện trên mạng Internet để phục vụ cho người Việt Nam sống xa Tổ quốc. Hỗ trợ kinh phí vận chuyển và đơn giản hóa thủ tục đối với việc gửi sách báo, văn hóa phẩm ra ngoài phục vụ cộng đồng.

7- Hoàn chỉnh chính sách khen thưởng đối với người Việt Nam ở nước ngoài, đưa vào nền nếp việc khen thưởng các tổ chức và cá nhân người Việt Nam ở nước ngoài có thành tích trong vận động xây dựng cộng đồng, đóng góp xây dựng đất nước, tổ chức và cá nhân trong nước có thành tích trong công tác vận động người Việt Nam ở nước ngoài. Giải quyết có tình, có lý và trên cơ sở đạo lý Việt Nam các vấn đề nhân đạo do lịch sử để lại nhằm thực hiện chủ trương đại đoàn kết toàn dân tộc, đồng thời có biện pháp phù hợp đấu tranh với những biểu hiện cố tình đi ngược lại lợi ích dân tộc, phá hoại quan hệ giữa các nước có đông người Việt Nam sinh sống với Việt Nam hoặc gây chia rẽ trong cộng đồng người Việt Nam ở nước sở tại.

8- Các tổ chức Đảng, các cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức và đoàn thể nhân dân theo chức năng, nhiệm vụ của mình tham gia tích cực vào công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài. Xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài với các cơ quan hữu quan, với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân, giữa trong nước với ngoài nước. Củng cố và phát triển các tổ chức xã hội làm công tác vận động người Việt Nam ở nước ngoài, như Hội liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài, các hội thân nhân kiều bào và các hình thức tập hợp chính đáng khác, phù hợp với ý nguyện và đặc điểm của cộng đồng ở địa bàn cư trú.

Các cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài có trách nhiệm coi công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài là một nhiệm vụ chính trị quan trọng đẩy mạnh công tác bảo hộ công dân và bảo vệ những quyền lợi chính đáng của người Việt Nam ở nước ngoài; tích cực, chủ động tăng cường tiếp xúc vận động, tuyên truyền phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước tới bà con.

9- Ủy ban về người Việt
Nam ở nước ngoài cần được kiện toàn với cơ cấu tổ chức, biên chế và phương tiện hoạt động đáp ứng đòi hỏi của tình hình mới. Tăng cường cán bộ chuyên trách về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài tại cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở những nơi có đông người Việt Nam sinh sống. Một số bộ, ngành và một số tỉnh, thành phố có quan hệ nhiều với người Việt Nam ở nước ngoài cần có bộ phận giúp cơ quan lãnh đạo trong công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài. Bổ sung kinh phí cho công tác này.

IV - Tổ chức thực hiện

1- Ban cán sự đảng Bộ Ngoại giao phối hợp với Ban cán sự đảng ngoài nước và các ban, ngành liên quan, UBTƯ MTTQ Việt Nam, các tổ chức và đoàn thể nhân dân tổ chức phổ biến rộng rãi nghị quyết này đến cán bộ, đảng viên và mọi tầng lớp nhân dân trong nước và đến cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.

2- Ban cán sự đảng Chính phủ cụ thể hóa nội dung nghị quyết thành chương trình hành động, các cơ chế, chính sách, chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện.

3- Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự Đảng Chính phủ căn cứ vào nội dung Nghị quyết, xây dựng và hoàn thiện các văn bản pháp quy có liên quan đến người Việt
Nam ở nước ngoài.

4- Các tỉnh ủy, thành ủy, các ban cán sự Đảng, Đảng đoàn, Đảng ủy trực thuộc Trung ương, các ban Trung ương Đảng có kế hoạch thực hiện Nghị quyết. Ban cán sự đảng Bộ Ngoại giao chủ trì cùng Ban cán sự Đảng ngoài nước giúp Ban Bí thư và Bộ Chính trị theo dõi việc thực hiện Nghị quyết. Ban Bí thư tổ chức kiểm tra, định kỳ nghe báo cáo về tình hình và công tác đối với người Việt
Nam ở nước ngoài./.

********

http://asean2010.vn/asean_en/news/19/2DA7A5/CPV-Politburos-Resolution-36NQ-TU

CPV Politburo’s Resolution 36/NQ-TU

CPV Politburo’s resolution 36/NQ-TW on the affairs related to the overseas Vietnamese and the Government Action Plan issued by Decision No 110/2004/QD-TTg on 23/6/2004 represented a breakthrough and a fundamental transformation in guiding the implementation of the work on overseas Vietnamese. The Resolution points out that the work on overseas Vietnamese is the responsibility of the entire political system and people. To effectively implement this task, the Resolution sets out four major clusters of tasks as follows:

Create favourable conditions and give support for overseas Vietnamese to stabilize their life, integrate into the society of residing countries and maintain close links to the homeland, renew and diversify mobilizing activities aimed at uniting overseas Vietnamese in mutual assistance, encouraging them to turn towards the motherland on the basis of voluntarism and in conformity with laws and customs of the host countries.
Improve existing and issue new policies on talents attraction to maximize overseas Vietnamese brainpower to the cause of national development, improve the existing and introduce new policies to encourage overseas Vietnamese to invest and do business in
Vietnam.
Increase investment in the programme of teaching and learning the Vietnamese language for overseas Vietnamese, especially for the younger generation, strongly reform communication and information activities to help overseas Vietnamese better understand the country’s situation and the policies of the Party and State.
Develop the rewarding policy for overseas Vietnamese, put in place the award mechanism for overseas Vietnamese individuals and organizations with meritorious contributions to strengthening the Vietnamese community and building the country, improve the organizational structure, staffing and facilities of the Committee for Overseas Vietnamese to meet the requirements of the new context, Party organizations, State agencies at central and local levels, the Vietnam Fatherland Front and mass organizations, in accordance with their tasks and functions, take an active part in overseas Vietnamese affairs.


*

No comments: